Vì sao ngành CNTT tiếp tục “hot” tại Việt Nam trong 10 năm tới?

Đăng ngày 19-06-2019

Sự tăng trưởng của một ngành nghề hay công việc cụ thể do nhiều yếu tố quyết định tới. Tuy nhiên, với Công nghệ thông tin (CNTT), 3 yếu tố sau được xem như “ lực đòn bẩy” tiếp tục đưa ngành này lên vị trí top đầu trên thị trường lao động Việt Nam trong 10 năm tới.

1. Nguồn nhân lực CNTT khan hiếm

CNTT là lĩnh vực rộng lớn và đang phát triển nhanh, bạn có thể tìm kiếm được vô vàn cơ hội việc làm, như: phát triển trang web, phân tích hệ thống, quản lý thông tin, chuyên gia phần mềm, phần cứng máy tính, bảo trì…

Theo thống kê của VietnamWorks, trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành CNTT – Phần Mềm đã tăng trung bình 47%/ năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức trung bình 8%.

Làm phép tính đơn giản, với mức tăng trưởng nhân lực hàng năm thấp như nêu trên, nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam đang ở mức báo động và dự báo sẽ thiếu 1 triệu IT vào năm 2020. Vì lẽ đó, số sinh viên các trường CNTT sau khi tốt nghiệp thường được nhận vào ngay vào các doanh nghiệp như Sam Sung, Viettel, CMC, Harvey Nash, VTC…

Khảo sát nhanh trên thị trường lao động hiện nay, mức lương trung bình đối với người mới (Fresher) trong lĩnh vực CNTT dao động từ 5 – 8 triệu đồng. Đối với nhân viên có kinh nghiệm và trưởng nhóm, mức lương lần lượt từ 15 – 20 triệu đồng và 20 – 30 triệu đồng. Cá biệt đối với những nhân viên ra nước ngoài làm việc, mức lương có thể lên tới 2.000 – 5.000 USD/ tháng.

Thị trường luôn khát nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng. Chính vì thế, trong 10 – 15 năm sắp tới, CNTT sẽ vẫn là ngành hot đối với không chỉ các em sinh viên, mà còn cả người đi làm – những người muốn tìm kiếm cơ hội mới, khác với chuyên ngành mình từng theo học trên ghế giảng đường

2. Nghề CNTT phù hợp với tính cách người Việt

Trong một bài chia sẻ về văn hóa, tính cách người Việt, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, người Việt Nam nhanh nhạy tháo vát, rất giỏi xử lý tình huống. Về mặt nào đó cũng có nhiều tính xấu do truyền thống nông nghiệp trồng lúa nước như tùy tiện, ăn xổi, ăn bớt công đoạn… Nhưng nhìn từ góc độ khác thì sự “tùy tiện” đó chính là nền tảng của một tư duy nhanh nhạy, linh hoạt, dễ thích ứng và giỏi nhanh nhạy đáp ứng với các giải pháp tình thế, rất phù hợp với lĩnh vực CNTT.

GS. Giang lấy dẫn chứng từ thành công của Nhật Bản trong cuộc cách mạng công nghiệp nhờ đặc tính rất chặt chẽ kỷ luật của dân tộc Nhật. Song, hiện tại họ không hề là một cường quốc CNTT. Nhưng lại có rất nhiều người Việt đang làm trong các công ty phần mềm lớn ở thung lũng Silicon (Mỹ).

Mới đây nhất, thông tin về giám đốc công nghệ Uber – Ông Phạm Thuận là một người gốc Việt cũng đã được cập nhật trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng tại Việt Nam. Ông từng là một thuyền nhân cách đây gần 40 năm. Ông Thuân là minh chứng rõ nét khác cho thấy năng lực, cũng như phẩm chất của người Việt phù hợp với lĩnh vực CNTT, bao gồm cả công nghệ cao.

3. Cùng vạch xuất phát với những tập đoàn công nghệ hàng đầu

Nếu cách đây 10 – 15 năm, trình độ của doanh nghiệp CNTT Việt còn ở khoảng cách khá xa so với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Cisco, Infosys…, thì nay khoảng cách này đã ngắn lại đáng kể với sự ra đời của làn sóng công nghệ mới như Cloud, Mobility, Big Data, IoT (Internet of Things)…
lap-trinh
Theo ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội Phân mềm Vinasa, cả thế giới đang dịch chuyển từ mô hình máy chủ – máy trạm (Client – Server) sang công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn. Điều này có nghĩa Việt Nam có cơ hội để cùng đứng chung với cả thế giới ở điểm xuất phát trong cuộc đua dịch chuyển công nghệ này.

Cơ hội của làn sóng công nghệ mới không chi tạo thêm nhiều việc làm cho các doanh nghiệp Việt, mà còn tạo cơ hội cho những người học/ làm việc trong lĩnh vực CNTT có thể tham gia các dự án toàn cầu ngay tại Việt Nam, hoặc ra nước ngoài làm việc.

Nguồn internet

Bình luận